Trung Quốc đang chiếm biển Đông kiểu 'cờ vây'
Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Theo nhận định của vài chuyên gia thì Trung Quốc đang đi từng bước để chiếm lấy biển Đông theo kiểu chơi "cờ vây".
Với những phân tích mà tôi đọc được ở một bài báo của VnExpress thì những chuyên gia về biển Đông nói rằng Trung Quốc tránh xung đột trực diện bằng quân sự hết mức có thể bởi phần sai thuộc về họ, nhưng lại chủ định chiếm lấy các vị trí có lợi và quan trọng trên biển Đông theo cách công khai lẫn lén lút, điều này tương tự với cách đánh cờ vây vốn coi trọng việc chiếm đoạt và củng cố các vị trí chiến lược.
Bài báo tôi đang nói tới của VnExpress có tựa đề là Trung Quốc ‘chơi cờ vây’ ở Biển Đông với nội dung cụ thể như sau:
Các bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy nước này đang áp dụng chiến lược đánh cờ vây, dần dần hiện thực hóa yêu sách của mình và có thể sẽ dẫn đến thành lập vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này, các chuyên gia về Biển Đông phân tích.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: SCMP.
Tiến sĩ Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhận xét rằng ở Biển Đông Trung Quốc chưa sử dụng lực lượng lớn hay đối đầu cứng rắn, mà dùng những phương tiện mềm hơn, gây khó khăn cho các bên nào muốn đối phó.
Trong cờ vây, không có các quân cờ như Tướng hay Tốt như cờ vua, chỉ có các quân cờ giống hệt nhau, tìm cách giành được lợi thế từ vị trí của chúng trên bàn cờ. Nếu cờ vua là nhằm tích lũy sức mạnh và tiêu hao lực lượng đối phương, thì cờ vây là nhằm chiếm đoạt và củng cố các vị trí chiến lược.
Ông Vuving cho rằng chiến lược này của Trung Quốc gồm ba sách lược mà họ sẽ áp đặt theo thứ tự. "Thứ nhất là tránh xung đột quân sự hết mức có thể, xung đột chỉ có thể xảy ra khi cần giành lấy lợi thế cho Bắc Kinh. Thứ hai là phải kiểm soát hầu hết các vị trí chiến lược ở khu vực, nếu chưa chiếm giữ được thì phải nắm lấy kể cả bằng cách lén lút. Thứ ba là phát triển những vị trí này thành các điểm trọng yếu, biến thành những trung tâm về hậu cần, các căn cứ hiệu quả thể hiện sức mạnh", chuyên gia viết.
Điều này lý giải cho việc Trung Quốc đang đẩy mạnh việc khai hoang và xây dựng ở Trường Sa thời gian gần đây. Theo ông Vuving, lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc là đá Chữ Thập, đây là nơi có vị trí lý tưởng vì các nước phương Tây đi vào Biển Đông qua lối này và là một trong vài đá ở Trường Sa gần với tuyến hàng hải chính.
Sau hoạt động cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc, đá Chữ Thập sẽ có diện tích dự kiến là 2 km vuông, cho phép Bắc Kinh xây dựng sân bay, hải cảng cho tàu trọng tải 5.000 tấn, trạm radar, triển khai tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa. Cơ sở hạ tầng ở đây cũng hỗ trợ hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và chiến đấu cơ, Vuving dự đoán.
Từ các đá Xu Bi, Ga Ven, Gạc Ma và Châu Viên, Trung Quốc có thể kiểm soát một khu vực hàng hải rộng lớn. Bằng các đảo được "hóa phép" đá, Trung Quốc sẽ có tiềm năng hơn bất kỳ nước nào trong việc giành được lợi thế về hải quân ở Biển Đông.
Vận tải khí đốt tự nhiên hóa lỏng qua Biển Đông. Trường Sa và Hoàng Sa án ngữ tuyến hàng hải huyết mạch về năng lượng trong khu vực. Đồ họa: CSIS
“Chiến lược này giúp Trung Quốc trở thành thế lực mạnh ở Biển Đông, biến những đá này thành các cơ sở vững mạnh và có thể triển khai vô số tàu thuyền, cả quân sự và bán quân sự, cả trên nước và dưới ngầm, cả máy bay có người lái và không người lái tới khu vực này”, ông Vuving nói.
Vấn đề bồi đắp đá thành đảo là mối lo ngại đối với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa. Tại hội nghị cấp cao của ASEAN tuần trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu mạnh mẽ, yêu cầu các bên không làm thay đổi hiện trạng.
"Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm", ông Dũng nói, và yêu cầu các bên không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình.
Ông Akimoto Kazumine, cựu Chuẩn Đô đốc, hiện là nghiên cứu viên cấp cao thuộc Quỹ Nghiên cứu Chính sách Hải dương của Nhật Bản, cho rằng hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Trường Sa là sự "ép buộc" các nước khác. Ông cũng nghi ngại Bắc Kinh sẽ tiến một bước nữa xa hơn sau khi hoàn tất việc mở rộng các đá ở quần đảo.
“Tôi cho rằng Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau khi xây dựng xong các đường băng trên các đá mà họ cải tạo”, ông Kazumine viết trong emai gửi VnExpress.
Các diễn biến gần đây ở Biển Đông và dự tính của các nước liên quan trong tranh chấp sẽ tiếp tục được học giả đến từ 20 nước thảo luận trong hội thảo Biển Đông, khai mạc hôm nay tại Đà Nẵng.
Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, hội thảo quốc tế lần thứ 6 này có sự tham gia của gần 200 đại biểu trong đó có các học giả chuyên về an ninh, quân sự, kinh tế, luật pháp từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN.
Những chủ đề được đưa ra thảo luận xoay quanh vấn đề an ninh và kiểm soát tranh chấp ở Biển Đông, các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa xung đột.
Hiện tại lãnh đạo nước mình vẫn đang kiên trì giải quyết vấn đề biển Đông theo hướng hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, còn phía Trung Quốc vẫn khá lật lọng giả dối khi còn đang duy trì cải tạo, bồi đắp đất cho Đá Chữ Thập hòng thay đổi nguyên trạng của khu vực này để cũng cố lý luận vô lý của họ khi chiếm đoạt vùng hải phận của Việt Nam, cái kết của vấn đề này thật chưa rõ sẽ ra sao.
Duy Ngã
Bài liên quan